Tải ứng dụng BIC online!

Khai báo tổn thất và nhận bồi thường dễ dàng hơn với smartphone.

Hướng dẫn thủ tục giải quyết khiếu nại bảo hiểm tàu thủy

Người được bảo hiểm

 - Khi có nguy cơ có thể dẫn đến tổn thất, Người được bảo hiểm phải thông báo ngay cho Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là BIC) hoặc những người đại diện hoặc đại lý của BIC nơi gần nhất bằng điện thoại hoặc fax;
- Sau khi thông báo tổn thất bằng điện thoại thì điền thông tin vào bản Thông báo tổn thất theo mẫu BM.1/HD-GĐBT-01 rồi fax cho BIC nơi gần nhất (trong vòng 24 giờ);
- Lập kháng nghị hàng hải hoặc bản tường trình sự cố gửi cơ quan chức năng (cảng vụ, cảnh sát giao thông đường thuỷ...) để lấy xác nhận;
- Thông báo cảng vụ hoặc cảnh sát giao thông đường thuỷ để điều tra sự cố (trường hợp đâm va);
- Khẩn trương tiến hành các biện pháp hạn chế tổn thất, đồng thời thông báo cho BIC để phối hợp giải quyết;
- Bảo lưu quyền khiếu nại người thứ ba (nếu có);
- Thu thập toàn bộ các chứng từ liên quan đến tổn thất như liệt kê dưới đây;
- Gửi bộ hồ sơ khiếu nại cho BIC.

Hồ sơ khiếu nại bồi thường tổn thất thân tàu thuỷ

Hồ sơ khiếu nại bồi thường tổn thất thân tàu thuỷ thường bao gồm:
- Giấy yêu cầu bồi thường BM.7/HD-GĐBT-01
- Giấy chứng nhận bảo hiểm và hoặc Hợp đồng bảo hiểm;
- Biên bản kiểm tra tình trạng kỹ thuật tàu (nếu có);
- Giấy tờ tàu: Giấy chứng nhận đăng ký, danh bạ thuyền viên, bằng cấp thuyền trưởng, máy trưởng, sổ kiểm tra kỹ thuật ..
- Kháng nghị hàng hải hoặc bản tường trình có xác nhận của cơ quan chức năng (cảng vụ, cảnh sát giao thông đường thuỷ...);
- Báo cáo chi tiết của thuyền trưởng (tổn thất thuộc phần vỏ, trang thiết bị, tổn thất liên quan đến trách nhiệm) và máy trưởng (tổn thất thuộc phần máy);
- Biên bản giám định/Chứng thư giám định;
- Trích sao nhật ký máy (nếu tổn thất liên quan đến máy tàu), nhật ký boong, bản tin thời tiết (nếu tổn thất liên quan đến thời tiết xấu);
- Sơ đồ vị trí xảy ra tai nạn (đâm va, mắc cạn, va phải đá ngầm...);
- Bản dự toán, chi phí sửa chữa của nơi sửa chữa;
- Biên bản nghiệm thu, bản quyết toán chi phí sửa chữa;
- Các chứng từ hoá đơn sửa chữa;
- Biên bản kiểm tra sau khi sửa chữa của đăng kiểm và hoá đơn;
- Các chứng từ chuyển trả tiền mua phụ tùng thay thế và tiền sửa chữa của chủ tàu;
- Giấy chứng nhận xoá đăng ký tàu của cơ quan có thẩm quyền (trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ thực tế);
- Tuyên bố từ bỏ tàu (trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ ước tính);
- Bảo lãnh của ngân hàng và/hoặc bảo lãnh của Hội P&I và/hoặc của Người bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu của tàu khác không phải tàu được bảo hiểm (trường hợp có liên quan đến người thứ ba);
- Biên bản tai nạn của cơ quan chức năng (cảng vụ, cảnh sát giao thông đường thuỷ đối với tai nạn đâm va, cháy nổ, chìm);
- Các chứng từ liên quan đến hàng hoá chuyên chở trên tàu được bảo hiểm (nếu có);
- Các giấy tờ khác chứng minh tổn thất theo yêu cầu của BIC.

Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV

- Sau khi nhận được thông báo tổn thất, cử giám định viên của BIC hoặc chỉ định một công ty giám định độc lập đến hiện trường để phối hợp với Người được bảo hiểm xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất;
- Có quyết định về việc bảo quản hoặc niêm phong đối tượng tổn thất;
- Phối hợp với các bên liên quan để lập phương án sửa chữa, cứu hộ tàu... ;
- Đàm phán với Người được bảo hiểm và các bên liên quan trong việc bán cứu vớt, đòi người thứ ba;
- Từ chối khiếu nại bằng văn bản (nếu không thuộc phạm vi bảo hiểm) trong vòng 15 ngày;
- Tiến hành các thủ tục bồi thường trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ khiếu nại hợp lệ của Người được bảo hiểm;
- Tiến hành các thủ tục pháp lý (nếu cần thiết).