Tải ứng dụng BIC online!

Khai báo tổn thất và nhận bồi thường dễ dàng hơn với smartphone.

Hướng dẫn thủ tục giải quyết khiếu nại bảo hiểm xe cơ giới 

Người được bảo hiểm

- Khi xảy ra tai nạn NĐBH phải thông báo ngay bằng ĐIỆN THOẠI cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (sau đây gọi là BIC) theo số điện thoại ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm để được hướng dẫn cách thức giải quyết tai nạn hoặc báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để lập biên bản vụ việc (trong trường hợp cần thiết);
- Thông báo cho BIC bằng văn bản trong vòng 05 (năm) ngày kể từ ngày tai nạn;
- Cần áp dụng mọi biện pháp để cứu chữa người và đề phòng hạn chế tổn thất phát sinh;
- Không công nhận trách nhiệm, không đồng ý báo giá sửa chữa và không được thỏa thuận đền bù cho người khác khi chưa có sự đồng ý của BIC;
- Cần thống nhất với BIC trong việc đưa ra và áp dụng các biện pháp cứu hộ, khắc phục tổn thất;
Lưu ý:
+ Nếu chủ xe tham gia điều khoản bổ sung Garage tự chọn (SĐBS số 01) khách hàng có quyền lựa chọn Garage sửa chữa. Các trường hợp khác, khi tiến hành sửa chữa phải được sự đồng ý của BIC hoặc khách hàng có thể sẽ phải chấp nhận phần chi phí chênh lệch giữa Garage khách hàng lựa chọn và Garage do BIC chỉ định;
+ Trường hợp xe được sửa chữa tại các Garage có ký thỏa thuận hợp tác với BIC, BIC sẽ tiến hành bảo lãnh xe theo số tiền thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm sau khi công tác sửa chữa hoàn thành và chủ xe hoàn thiện các thủ tục khiếu nại bồi thường và thanh toán số tiền chênh lệch (nếu có) ngoài số tiền BIC bảo lãnh cho Garage sửa chữa;
- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm/bảo lưu quyền thu đòi bên thứ ba cho BIC;
- Hoàn thiện và cung cấp bộ Hồ sơ khiếu nại (như dưới đây) cho BIC.
Hồ sơ Khiếu nại Người được bảo hiểm phải cung cấp:
- Giấy chứng nhận Bảo hiểm xe ôtô, Đăng ký xe, Sổ kiểm định ATKT&BVMT (Bản photo công chứng hoặc bản copy & xuất trình bản gốc để cán bộ BIC kiểm tra, đối chiếu);
- Giấy Phép lái xe của người điều khiển xe gây tai nạn (Bản copy & xuất trình bản gốc để cán bộ BIC kiểm tra, đối chiếu);
- Bản sao CMND của người điều khiển xe gây tai nạn (nếu có phát sinh TNDS);
- Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường của NĐBH (Tải mẫu tại phần Các biểu mẫu);
- Bản sao bộ hồ sơ công an (nếu vụ tai nạn do cơ quan công an thụ lý): Sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường; biên bản khám nghiệm các xe liên quan đến vụ tai nạn; biên bản khám nghiệm tử thi/giám định pháp y (nếu có); thỏa thuận hòa giải (nếu có); biên bản giải quyết TNGT; kết luận điều tra của cơ quan CSĐT, bản án/quyết định của Tòa án (nếu có)… Hoặc Đơn đề nghị xác nhận sự việc của lái xe gây tai nạn được cơ quan chức năng/chính quyền địa phương xác nhận (bản gốc);
- Các tài liệu liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba (nếu có);
- Báo giá, hợp đồng và hóa đơn chứng từ liên quan đến việc cứu hộ, sửa chữa xe và các dịch vụ có liên quan khác;
- Hợp đồng vận chuyển hàng hóa, văn bản/chứng từ liên quan đến việc xác định nguồn gốc, giá trị của hàng hóa (nếu phát sinh khiếu nại TNDS đối với hàng hóa);
- Các chứng từ liên quan đến thiệt hại về người: chứng từ y tế và các chứng từ liên quan khác (nếu có khiếu nại bồi thường về người);
- Văn bản bảo lưu, thế quyền cho BIC thu đòi từ bên thứ ba (nếu vụ tai nạn có liên quan đến lỗi của bên thứ ba);
- Các văn bản, giấy tờ liên quan khác (nếu được BIC yêu cầu).

Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV

- Sau khi nhận được thông tin tổn thất, BIC sẽ cử cán bộ của mình hoặc chỉ định một công ty giám định độc lập phối hợp với phía Người được bảo hiểm, cơ quan chức năng để cùng giải quyết tai nạn;
- Hướng dẫn phía chủ xe thu thập hồ sơ khiếu nại;
- Trường hợp vụ tổn thất nghiêm trọng, BIC có thể xem xét cho NĐBH tạm ứng một phần chi phí để khắc phục hậu quả tai nạn;
- Giải quyết bồi thường trong vòng tối đa 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và không kéo dài quá 30 ngày trong trường hợp phải xác minh hồ sơ;
- Giải thích bằng văn bản cho NĐBH trong trường hợp từ chối bồi thường;
- Tiến hành các bước thu đòi người thứ ba, thanh lý tài sản thu hồi...